Tin mới nhất






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Cao Chương là xã nằm ở phía tây nam huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Xã, có vị trí địa lý: Phía bắc giáp thị trấn Trà Lĩnh và xã Quang Hán; phía Đông giáp huyện Quảng Hòa và xã Xuân Nội; phía nam giáp xã Quốc Toản huyện Quảng Hòa; phía tây giáp xã Quang Vinh. Xã Cao Chương có diện tích 28,51 km², dân số năm 2019 là 3.590 người, mật độ dân số đạt 125 người/km². Đầu thế kỷ XIX, vùng đất Cao Chương ngày nay là xã Trà Lĩnh, tổng Trà Lĩnh, châu Thạch An . Thời kỳ Pháp thuộc, tổng Trà Lĩnh thuộc châ

Cao Chương là xã nằm ở phía tây nam huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Xã, có vị trí địa lý: Phía bắc giáp thị trấn Trà Lĩnh và xã Quang Hán; phía Đông giáp huyện Quảng Hòa và xã Xuân Nội; phía nam giáp xã Quốc Toản huyện Quảng Hòa; phía tây giáp xã Quang Vinh.

Xã Cao Chương có diện tích 28,51 km², dân số năm 2019 là 3.590 người, mật độ dân số đạt 125 người/km².

Đầu thế kỷ XIX, vùng đất Cao Chương ngày nay là xã Trà Lĩnh, tổng Trà Lĩnh, châu Thạch An[1].

Thời kỳ Pháp thuộc, tổng Trà Lĩnh thuộc châu Thượng Lang, phủ Trùng Khánh. Tổng Trà Lĩnh thời điểm đó có 7 xã là Đồn Cà, Đồng Quảng, Ngọc Quản, Quả Thoát, Tĩnh Lăng, Trà Lĩnh, Tảng Biên)[2]. Khu vực xã Cao Chương ngày nay là xã Trà Lĩnh, tổng Trà Lĩnh.

Giữa năm 1942, thực dân Pháp tách tổng Trà Lĩnh ra khỏi phủ Trùng Khánh thành lập châu Trấn Biên gồm 4 tổng: Ngọc Quản, Tà Lệnh, An Ninh và Bắc Lục[3]. Vùng đất xã Cao Chương ngày nay thuộc tổng Tà Lệnh.

Tháng 10/1945, sau khi châu Trấn Biên giành được chính quyền, Tà Lệnh được đổi tên thành xã Cao Chương, mang tên người chiến sĩ cách mạng giải phóng quân của quê hương Trùng Khánh[4].

Thực hiện Sắc lệnh số 148-SL ngày 25/3/1948 của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận; cấp trên xã và cấp dưới cấp tỉnh thống nhất gọi là cấp huyện. Châu Trấn Biên đổi tên thành huyện Trấn Biên, gồm 4 xã: Cao Chương, Quang Hán, Lưu Ngọc và Quang Trung.

Năm 1957, Nhà nước điều chỉnh lại địa giới. Lúc này xã Cao Chương gồm có những thôn, bản sau: Pò Luông, Nà Rỷ, Đoỏng Khẳm, Nà Ý, Đoỏng Có, Khuổi Luông, Đoỏng Vựt, Nà Rài, Bản Líp, Pò Cọt, Vạc Gả, Vạc Niếng, Đoỏng Giài, Bản Pát, Thang Sặp, Lũng Oong và các xóm Nà Ma, Thăng Loỏng, Lũng Mản, Phja Đeng, Lũng Hang, Lũng Mười, Tổng Soóng (thuộc xã Lưu Ngọc cắt sang). Đồng thời một số xóm thuộc xã Cao Chương cũng được cắt sang xã Hùng Quốc, đó là các xóm: Bản Khun, Cốc Cáng, Lũng Tung, Nà Rạo, Cốc Khoác[5].

Theo Nghị định số 153-TTg ngày 20/3/1958 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Trấn Biên đổi tên thành huyện Trà Lĩnh và giữ nguyên tên gọi đó đến nay. Từ đó, Cao Chương là đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện Trà Lĩnh.

Năm 2002, xã Cao Chương được chia thành 17 xóm (trước đó 22 xóm): Đoỏng Giài, Khuổi Luông, Tổng Soóng, Lũng Hang, Phia Đeng, Pò Cọt, Bản Líp, Nà Rài, Đoỏng Vựt, Nà Ý, Đoỏng Có, Bản Pát 1, Bản Pát 2, Đoỏng Khẳm, Pò Luông, Nà Rỷ, Thang Sặp.

Ngày 09/9/2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về việc: Sáp nhập hai xóm Bản Pát 1 và Bản Pát 2 thành xóm Bản Pát; sáp nhập 2 xóm Pò Cọt và Bản Líp thành xóm Tài Nam 1; sáp nhập 2 xóm Nà Rài và Đoỏng Vựt thành xóm Tài Nam 2; sáp nhập 3 xóm Đoỏng Khẳm, Pò Luông, Nà Rỷ thành xóm Tân Lập; sáp nhập xóm Tổng Soóng vào xóm Khuổi Luông; Sáp nhập xóm Đoỏng Có vào xóm Nà Ý; sáp nhập 2 xóm Lũng Hang và Phia Đeng thành xóm Sơn Lộ.

Thực hiện Nghị quyết số 897/NQ-UBTVQH14 ngày 11/02/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thuộc tỉnh Cao Bằng, huyện Trà Lĩnh nhập vào huyện Trùng Khánh. Theo đó, xã Cao Chương trở thành đơn vị hành chính cấp xã của huyện Trùng Khánh…

Cao Chương là xã có địa hình với đặc điểm có nhiều đồi núi, hang động và sông suối.

Đồi Khau Siểm (đồi Nhọn) nằm ở phía đông của xã, cách Trụ sở Ủy ban nhân dân xã khoảng 3 km. Nét nổi bật của đồi là cao, nhọn, lên đỉnh đổi có thể quan sát được toàn xã.

Đồi Khưa Giảng cao 931 m, nằm ở phía đông bắc của xã (nay thuộc địa phận xã Hùng Quốc), cách trung tâm xã khoảng 2 km, cách đồi Khau Siểm khoảng 3 km.

Đồi Đông Riểng (Nà Ý) nằm ở phía tây bắc, cách Ủy ban nhân dân xã 0,5 km, án ngữ con đường từ Cao Chương đến thị trấn Trà Lĩnh.

Đồi An Mạ (Bản Pát) nằm cách Ủy ban nhân dân xã 5 km về phía nam, án ngữ trên đỉnh đèo Quang, sát con đường Quốc lộ nối liền huyện Trà Lĩnh với thành phố Cao Bằng.

Trên địa bàn xã, có nhiều nhiều hang động, nhưng lớn nhất là hang Rù Sặp. Hang Rù Sặp nằm cách Ủy ban nhân dân xã 4 km về phía tây nam, nơi dòng sông Trà Lĩnh chảy qua xã Cao Chương và xuyên qua núi đá vôi sang Nặm Trá tạo thành hang động rộng lớn với nhiều ngõ ngách, có đường thông sang Nà Ma (thuộc địa phận xã Lưu Ngọc trước đây). Trong những năm chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, hang Rù Sặp là nơi tổ chức những cuộc họp bí mật để tuyên truyền, giáo dục thanh niên theo con đường các mạng do đồng chí Đức Xuân tổ chức.

Sau trận lũ năm 1968, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Cao Chương đã huy động nhân dân khai phá cửa hang hạ lưu ngườm Rù Sặp, Nặm Trá để khai thông dòng nước. Từ đó đến nay vào mùa mưa lũ hằng năm, cánh đồng trong khu vực không còn bị ngập úng.

Sông Trà Lĩnh là nơi phát nguồn dòng chảy nối liền từ địa phận thị trấn Trà Lĩnh vào xã Cao Chương từ Kéo Nạc đi qua các xóm Nà Ý, Tài Nam 2, Tài Nam 1 rồi chảy qua hang Rù Sặp, đổ ra địa phận xã Quốc Toản (huyện Quảng Hòa), chảy vào hồ Thăng Hen. Chiều dài sông chảy qua địa phận xã Cao Chương khoảng 6 km, chiều rộng trung bình 30 m. Lưu lượng dòng chảy có sự chênh lệch rất lớn giữa mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa, tốc độ dòng chảy đạt 500 m3/s, nước dồn từ đầu nguồn và các khe, lạch nhỏ phía đông về làm cho dòng chảy dâng cao, tạo thành lũ đến hang Rù Sặp, nước không tiêu kịp. Có năm, nước ngập hai bên dòng chảy từ ba ngày đến một tuần, làm thiệt hại đáng kể hoa màu của nhân dân trong xã. Mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, lưu lượng dòng chảy ít, tốc độ dòng chảy đạt 0,6m3/s. Vào mùa này, các guồng, cọn ven sông ngừng quay, dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới cho các vùng ven sông.

Đập Pò Đôn thuộc xóm Nà Ý được xây dựng từ những năm 1960, lúc đầu được lắp bơm ly tâm, sau đó được thiết kế với hệ thống kênh dài 3 km. Năm 2001, đập Pò Đôn được Nhà nước đầu tư kiên cố, cung cấp nước cho cánh đồng các xóm Nà Ý, Tài Nam 2, Tài Nam 1, Đoỏng Giài. Các đoạn sông trong địa phận xã đều có thể lắp guồng, ngăn đập lắp bơm ly tâm, đảm bảo nước tưới cho cánh đồng ven sông.

Hồ tính bao gồm Tính Nưa xóm Bản Pát quản lý, Tính Tẩu xóm Đoỏng Giài quản lý. Đến năm 1975 - 1976  Hợp tác xã hợp nhất cải tạo mở rộng lòng hồ 15,6 ha, trữ lượng nước khoảng 450 nghìn mét khối. Hồ được thả các loại cá trắm, trôi, mè trắng, mè hoa... Nhiều người dân trong xã thiếu đất canh tác đã sống nhờ con tôm, con cá ở hồ này.

Hồ Bó Thá (Bản Pát) có diện tích 0,7 ha, với trữ lượng nước là 1.600 m3, phục vụ tưới cho gần một nửa cánh đồng xóm Bản Pát. Bó Thá xưa là một mỏ nước tự nhiên chảy ra từ mỏm núi nhỏ có nhiều cây cổ thụ, nằm ở phía nam, cách Ủy ban nhân dân xã khoảng 5 km. Nay hồ được thả các loại cá trắm, chép, mè và một số giống cá khác.

Cũng như nhiều địa phương thuộc các xã vùng cao tỉnh Cao Bằng, Cao Chương chịu ảnh hưởng của khí hậu á nhiệt đới gió mùa, hình thành 2 mùa nóng - lạnh rõ rệt. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, ảnh hưởng của khí hậu gió mùa đông nam nên thường nóng gắt về ban ngày, mát mẻ về ban đêm, nhiệt độ trung bình là 19,70C. Mùa mưa thường vào tháng 6, 7, 8 hằng năm; đây là khoảng thời gian thường xảy ra lũ lụt, làm xói mòn đất. Mùa lạnh ở Cao Chương bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Đặc điểm của mùa này là nhiệt độ xuống thấp, giá lạnh, thường xảy ra hiện tượng sương muối. Cá biệt có những năm, nhiệt độ xuống rất thấp (-20C) như năm 1968, năm 1973, năm 1982, năm 2016. Vào những năm này, Cao Chương có nhiều ngày chìm trong băng tuyết. Thời điểm cuối năm, hiện tượng sương muối thường xuyên xảy ra làm ảnh ảnh hưởng đến các loại cây vụ Đông - Xuân như khoai tây, cà chua, thuốc lá...

Đất đai chủ yếu được phân bố ở xã Cao Chương là đất đỏ và đất pha cát. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 2.851,64 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 519,57 ha; đất trồng cây hàng năm 503,89 ha; đất trồng lúa 285,19; đất lâm nghiệp 2.094,59 ha; đất phi nông nghiệp 221,11 ha; đất chưa sử dụng 14,32 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản 2,55 ha[6]. Đất đai ở Cao Chương thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp với một số loại cây trồng chính như keo, mỡ, trẩu, hồi, cam, quýt… và một phần diện tích được đồng bào các dân tộc ở địa phương khai thác thành nương rẫy trồng ngô, sắn, đỗ tương. Bên cạnh đó, ven các con suối thường có những dải tuy nhỏ hẹp nhưng khá màu mỡ phù hợp cho trồng lúa và một số loại cây hoa màu khác.

Rừng ở Cao Chương là nguồn tài nguyên lớn, tập trung nhiều loại gỗ quý như: Nghiến, trai, táu, sến, lim đến các loại tre, vầu, nứa, trúc. Trước đây, rừng có các loại động vật quý như hươu, nai… Rừng có vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân địa phương, góp phần cung cấp vật liệu phục vụ cho cuộc sống vốn hết sức khó khăn của người dân nơi đây. Trong thời kỳ chiến tranh, rừng là nơi trú ẩn khỏi sự tấn công của kẻ thù, địa bàn cất giấu vũ khí, luyện tập của lực lượng quân sự địa phương. Ngày nay, nguồn tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, nhân dân Cao Chương đang đẩy mạnh hoạt động trồng rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và cung cấp nguyên liệu cho một số cơ sở chế biến gỗ, tăng thu nhập cho nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.

Cao Chương có các thành phần dân tộc cùng cư trú như Tày, Nùng, Mông, Kinh. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng. Các dân tộc có truyền thống đoàn kết, gắn bó với nhau tạo thành một khối cộng đồng vững chắc. Truyền thống tốt đẹp đó luôn được gìn giữ và phát huy.

Dân tộc Tày, Nùng được coi là dân tộc bản địa ở Cao Chương. Họ sống ở trung tâm xã, nơi đất đai canh tác tương đối bằng phẳng. Cư dân Tày chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi, nguồn thu chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi. Nhà ở của người Tày, Nùng chủ yếu là nhà sàn, ngày nay cơ bản đã xây dựng theo kiến trúc mới (nhà cấp bốn, nhà kiên cố,...). Đời sống của người Tày, Nùng ở Cao Chương ở mức ổn định.

Dân tộc Mông đến Cao Chương từ trước năm 1945, sống chủ yếu ở sườn đồi, thung lũng núi đá, giáp với xã Xuân Nội. Đến năm 1960, có một số họ dân tộc Mông đến tập trung ở Thăng Loỏng, Thang Sặp. Sau chiến sự Biên giới năm 1979, một số hộ người Mông từ Cao Chương di cư sang Hà Giang, Tuyên Quang sinh sống. Trước đây, đời sống của đồng bào Mông ở Cao Chương gặp rất nhiều khó khăn. Họ sống chủ yếu là làm nương rẫy và sắn bắt, lương thực chủ yếu là cây ngô, đỗ tương, mức sống thấp. Hiện nay, người Mông đã định canh, định cư và bắt đầu canh tác lúa nước.

 Dân tộc Kinh chủ yếu từ dưới xuôi lên, tập trung trung tâm xã, làm nghề buôn bán, kinh doanh, dịch vụ,

Những năm trước Cách mạng Tháng Tám, cuộc sống của nhân dân Cao Chương vô cùng cực khổ. Nhân dân bị áp bức, bóc lột nặng nề, quanh năm không đủ ăn, thiếu đói thường xuyên, nhất là thời vụ giáp hạt và những năm bị thiên tai, dịch bệnh.

Ngày này, đời sống của đồng bào đã ổn định hơn rất nhiều. Kinh tế chủ yếu của đồng bào Cao Chương vẫn là nghề trồng trọt và chăn nuôi. Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Cao Chương hướng đến sản xuất hàng hóa với các cây trồng cho thu nhập cao như khoai tây, quýt, hồi, hoa ly… Với lợi thế nằm sát trung tâm huyện, nhiều hộ gia đình ở Cao Chương đã phát triển dịch vụ, thương mại, góp phần nâng bình quân đầu người. Đến năm 2017, Cao Chương đã đạt Nông thôn mới.

Trước đây, giao thông của Cao Chương hết sức khó khăn. Người dân đi lại thông qua các con đường mòn theo vách núi hoặc xuôi theo bè, mảng dọc các suối. Vào mùa mưa lũ, đường lầy lội, sạt lở cản trở việc lưu thông của nhân dân trong toàn xã. Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ và chính quyền địa phương, Cao Chương có hệ thống đường liên thôn, liên xã tương đối thuận lợi; ô tô đến tận các xóm. Bản xa nhất của Cao Chương đi bộ đến Ủy ban nhân dân xã mất 1 giờ đồng hồ; Ủy ban nhân dân xã cách Trung tâm huyện Trà Lĩnh (cũ) khoảng 2,5 km theo đường Quốc lộ 3 (nay là Quốc lộ 34B). Xã có 2 tuyến đường liên xã là Kéo Nạc - Quang Vinh; Đoỏng Giài - Thang Sặp.

Cao Chương có danh thắng Mắt thần núi, nằm trong hệ thống di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Mắt thần núi nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh với hệ thống 36 hồ liên thông nhau một cách độc đáo cùng các dòng chảy trên bề mặt và dòng chảy ngầm. Mắt thần núi gắn với truyền thuyết chàng trai người Tày tên là Sung thông minh, tài giỏi, với 36 bước chân trên đường về Kinh đã tạo ra 36 hồ lớn nhỏ. Còn lỗ thủng trên vách núi là ngón chân của chàng Sung khi đi bị vấp đã chọc thủng vách đá tạo thành Mắt thần núi hiện nay... Đây là thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo. Vẻ đẹp tự nhiên vốn có của Mắt thần núi thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Với những giá trị tiêu biểu, độc đáo, đặc sắc về văn hóa, danh lam thắng cảnh, Danh lam thắng cảnh Mắt thần núi, xã Cao Chương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận xếp hạng Di tích cấp Quốc gia Quyết định số 1988/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021.

Là địa phương có lịch sử lâu đời nên trải qua nhiều năm tháng đấu tranh gian khổ vừa để giữ gìn, bảo vệ tấc đất non sông, vừa phải chinh phục thiên nhiên để sinh tồn và phát triển, mỗi dân tộc ở Cao Chương đã hình thành nền văn hóa độc đáo của mình. Trong đó, ẩm thực là một nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa bản địa của Cao Chương. Điều đó thể hiện trong văn hóa ẩm thực các ngày lễ tết.

Vào dịp tết Nguyên đán, người dân có bánh chưng, bánh khảo, chè lam, thịt lợn, thịt gà. Tết Thanh minh (mùng 3 tháng 3) là tết tảo mộ thể hiện lòng hiếu nghĩa với tổ tiên, người dân Cao Chương có xôi ngũ sắc (đỏ, đen, vàng, tím, xanh), thịt lợn, măng nhồi, gà, cá. Ngày 6 tháng 6 là tết gọi  hồn trâu với ý nghĩa trâu bò sau một vụ mùa vất vả, phải gọi hồn về cho trâu bò. Trong ngày này, gia đình nào cũng phải có mâm cỗ và chuẩn bị một con gà choai cho trẻ em chăn trâu chiều mang theo ăn ở ngoài đồng, còn gọi là “cáy tắc”. Đây cũng là nghi lễ nhằm động viên, biểu dương các em nhỏ không quản nắng, mưa chăn trâu bò quanh năm[7]. Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy), dịp này, các gia đình chủ yếu ăn thịt vịt, làm bún hoặc phở. Tết Đông chí thì làm bánh coóng phù ăn nóng với nước đường, gừng để làm ấm cơ thể.

Đồng bào Mông ở Cao Chương có thức uống đặc sắc như rượu báng. Rượu được làm từ bột cây báng; đồng bào chọn loại cây báng già có nhiều bột. Cây báng sau khi được hạ chặt, sẽ bóc vỏ, băm nhỏ, luộc chín, ủ men ngay tại núi đá hoặc bờ sông cho tiện nước khi cất, đủ ngày bà con mang dụng cụ đến cất tại chỗ rồi gùi rượu về nhà. Rượu báng thường được người Mông dùng trong các ngày lễ như cưới, ngày lễ hội chọi bò. Đời sống tín ngưỡng của các dân tộc ở Cao Chương nổi bật lên việc thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công và thần nông. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà, thường là gian giữa. Bàn thờ phần lớn đặt ba bát hương, một số ít có đến bốn hoặc năm bát là tuỳ từng dòng họ. Hằng năm, nghi lễ thay chân hương vào chiều 30 tết âm lịch.

Tục lệ thờ cúng thổ công được thể hiện qua việc đồng bào dựng miếu tại trung tâm bản, xóm. Đây là nơi linh thiêng của xóm, bà con đến để thắp hương cầu cho mọi người trong xóm bản no ấm, mùa màng bội thu.

Lễ hội của các đồng bào ở Cao Chương thường được tổ chức vào mùa Xuân, trong đó tiêu biểu nhất là Hội tung còn (gọi là Tọt còn). Lễ hội Tọt còn có từ lâu đời. Đối tượng tham gia chủ yếu là thanh niên, nam nữ. Đây là dịp để nam, nữ bày tỏ tình cảm với nhau. Trước đây, Lễ hội được bắt đầu từ ngày mùng Một tết và kéo dài đến hết tháng Giêng. Ngày nay, lễ hội không cón kéo dài như trước nữa.

Như vậy, có thể thấy, trong quá trình lao động sản xuất, cộng đồng các dân tộc vùng đất Cao Chương đã hình thành, vun đắp nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp. Những nét văn hóa đó không chỉ thể hiện sự đa dạng và phong phú trong bản sắc văn hóa địa phương mà còn là động lực góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương qua các thời kỳ lịch sử.



[1] Tỉnh  ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Địa chí Cao Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.31 và Đảng ủy - Ủy ban nhân dân xã Cao Chương, Bản thảo Địa chí xã Cao Chương, tài liệu lưu tại Đảng ủy xã Cao Chương.

[2] Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Địa chí Cao Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.38.

[3] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trà Lĩnh, Lịch sử Đảng bộ huyện Trà Lĩnh (1930 - 2015), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.14.

[4] Cao Chương là bí danh của ông La Văn Tình, người xóm Pác Lung, Tà Lệnh. Năm 1940, ông La Văn Tình được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động cách mạng ở vùng biên giới Việt Trung (vùng Nhâm Trang, Tĩnh Tây, Trung Quốc). Ngày 12/01/1945, ông hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Ông được Thủ tưởng Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công số XA2639C theo Quyết định số 239/TTg ngày 13/10/1960.

[5] Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Địa chí các xã tỉnh Cao Bằng, Quyển III, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.516.

[6] Số liệu Ủy ban nhân dân xã Cao Chương thống kê năm 2022.

[7] Tỉnh ủy - Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Địa chí các xã tỉnh Cao Bằng, Quyển III, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.519.